Một giáo viên có mức lương và phụ cấp 2,1 triệu đồng vào năm 2009, đến năm nay giáo viên đó nhận được 7,8 triệu đồng. Tuy con số có tăng, đó vẫn là một mức lương không thể đủ sống.
Khi gửi đi bức thư kêu gọi hỗ trợ giáo viên khó khăn vào tháng 1-2009, đề nghị các tỉnh, thành phố vận động doanh nghiệp giúp các thầy, cô giáo có “mâm cơm để cúng ông bà tổ tiên, có được chiếc áo mới cho cha mẹ, con cái, có được chiếc bánh chưng, bánh tét ăn ngày mùng một Tết”, tác giả bức thư – ông Nguyễn Thiện Nhân, bộ trưởng Bộ GD&ĐT – lúc đó gây ra hai luồng phản hồi khác nhau. Nhiều nhà giáo nói rằng họ cảm thấy bị tổn thương vì dù đang gắn bó với nghề với mức lương rất thấp nhưng không đến mức họ không lo được mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết. Nhưng cũng có những người chia sẻ và hy vọng, bởi họ nhớ lời hứa của ông Nhân khi nhậm chức vào năm 2006: trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương để năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng lương.
Ở thời điểm ông Nhân làm bộ trưởng Bộ GD&ĐT, lương giáo viên vùng khó khăn có thâm niên sau 5 năm công tác trở lên, sau khi đã cộng mọi khoản phụ cấp, là trên 5 triệu đồng/tháng/giáo viên. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng năm 2009-2010, lương giáo viên đứng lớp có trên 5 năm thâm niên, tính cả phụ cấp là trên 2 triệu đồng/tháng/người. Đó là mức thu nhập không đủ để người giáo viên nuôi chính họ, đừng nói tới lo cho gia đình hay những mục tiêu sang cả hơn như “tái tạo năng lượng, nâng cao trình độ” để phục vụ công việc.
Nhiệm kỳ bộ trưởng kế tiếp, 2010-2016, ông Phạm Vũ Luận tiếp tục phát biểu “xin chia sẻ với những khó khăn” của giáo viên. Nhưng đó là phát biểu, và không thấy sự “chia sẻ” ấy được cụ thể hóa bằng chương trình, hành động và những động thái tích cực nhằm thúc đẩy thay đổi chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo. Ông Luận có lần phân trần với báo giới, rằng vấn đề lương phải xem xét trong một tổng hòa mối quan hệ và tương quan với các ngành nghề khác, rằng ông cũng chỉ hy vọng “vấn đề tiền lương sẽ có những điều chỉnh mang tính lâu dài”.
Nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kéo dài từ năm 2016-2021. Trong một phát biểu năm 2017, ông Nhạ cũng có lời hứa “sẽ đồng hành, tăng lương cho giáo viên”. Ông tỏ ra chi tiết hơn: “Tất nhiên Bộ GD&ĐT không quyết định được vấn đề lương giáo viên nên bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ để cùng thống nhất vấn đề thang bảng lương, để làm sao triển khai thật tốt nghị quyết 29 của trung ương, để giáo viên được hưởng thang bậc lương cao nhất” trong một phát biểu với báo giới tại kỳ họp Quốc hội tháng 11-2017.
Thế rồi, ông Nhạ rời chức. Các giáo viên tiếp tục đợi.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khi nhậm chức tháng 4-2021 cũng đã chọn điểm nhấn là “cải thiện đời sống người thầy” trong một trả lời phỏng vấn báo chí. “Điểm nhấn” này tạo hiệu ứng tích cực khiến nhiều người thiện cảm với ông. Nhưng ông cũng lặp lại ít nhiều điều ông Nhạ từng nói: “Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện. Trình độ của người thầy tiếp tục được nâng cao tương ứng với yêu cầu thời đại. Song việc này không chỉ mình Bộ GD&ĐT giải quyết được”. Nay ông đã nhậm chức 7 tháng. Bộ GD&ĐT sẽ làm gì cho điều bộ trưởng mong muốn?
Vẫn chưa thấy đường nét cụ thể nào. Và thế là, nếu tính từ mốc 2006 – thời điểm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có lời hứa “nhà giáo sống được bằng lương”, đã 15 năm trôi qua, với 4 thời bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
“Năm 2009, thu nhập của tôi là 3.216.000 đồng/tháng, bao gồm cả lương, phụ cấp và chưa trừ bảo hiểm. Năm 2021, tôi được xếp giáo viên THPT hạng 2, thu nhập của tôi được trên 12.300.000 đồng/tháng, bao gồm cả lương, phụ cấp trách nhiệm (hiệu trưởng), phụ cấp thâm niên. Với 28 năm công tác trong nghề, mức lương của tôi có thể nói chỉ tạm đủ sống một cách tiết kiệm so với giá cả thị trường hiện thời và nhu cầu sống ở mức trung bình của một gia đình” – một hiệu trưởng trường THPT ở TP Hải Phòng tổng kết lại chuyện lương của mình sau hơn 1 thập niên.
Cô H., một giáo viên THCS ở Hà Nội thuộc thế hệ giữa 8X, cho biết thời điểm 2009-2010, thu nhập của cô là trên 2,1 triệu đồng/tháng, bao gồm tất cả các khoản theo quy định của Nhà nước. Hiện thời, cô nhận được gần 7,8 triệu đồng/tháng. Cũng tại Hà Nội, giáo viên lâu năm nhất của một trường THPT có mức thu nhập hơn 10 triệu đồng, giáo viên trẻ nhận được 3-4 triệu đồng/tháng, bao gồm cả lương, phụ cấp thâm niên và phụ cấp đứng lớp.
“Là hiệu trưởng, có những việc không quá nghiêm trọng liên quan tới việc giáo viên làm thêm để tăng thu nhập, tôi phải tạm bỏ qua hoặc tìm cách dung hòa. Đó là cách để tôi giữ người, giữ nhiệt tình của giáo viên, để họ biết lãnh đạo cũng thấu hiểu, chia sẻ. Còn cứ cứng nhắc áp quy định, xử lý thì nhiều người sẽ bỏ, vì mức lương giáo viên hiện tại vẫn thấp quá, còn lâu mới đạt được mục tiêu sống đủ bằng lương” – cô N., hiệu trưởng THPT ở Hà Nội, nói.
“Nước mắt chảy xuôi” – nhiều giáo viên ngậm ngùi nói về lương của họ như vậy, nghĩa là khổ thì họ tự thấm, kêu ngược lên thì khó quá.
Theo ông Vũ Minh Đức – cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), hiện nhà giáo được hưởng các chế độ chính sách chung gồm: lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có), phụ cấp khu vực, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên…
Trong đó, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nhận được thêm vài ưu đãi: hưởng phụ cấp ưu đãi với mức cao hơn so với các nhà giáo dạy ở đồng bằng, thành phố; hưởng thêm một số chế độ phụ cấp, trợ cấp khác (phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thanh toán tiền tàu xe khi nghỉ phép hoặc nghỉ tết hằng năm, phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, nước sạch; phụ cấp lưu động, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo các nghị định của Chính phủ).
Trong giai đoạn ông Phạm Vũ Luận làm bộ trưởng, Bộ GD&ĐT đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ quyết định cho bảo lưu phụ cấp thâm niên trong 3 năm đối với các nhà giáo được điều động lên làm công tác quản lý ở sở, phòng GD&ĐT. Điều này là để giải quyết một bất cập: nhiều người giỏi không muốn làm quản lý vì mất phụ cấp, giảm thu nhập. Nhưng ngoài ra, về cơ bản, chính sách tiền lương giáo viên không có thay đổi lớn.
Trong nhiệm kỳ của ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT có một số nỗ lực trong điều chỉnh quy định về nhà giáo mà theo mô tả của một lãnh đạo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thì “cực kỳ phức tạp và khó khăn”.
Năm 2020-2021, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên, giảng viên, trong đó bỏ quy định giáo viên, giảng viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Tháng 3-2021, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức ngành giáo dục. Và rồi, Chính phủ đã ban hành nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hướng giảm số lượng chứng chỉ bắt buộc; xây dựng lại nội dung bồi dưỡng thường xuyên hằng năm theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Dẫu không tác động trực tiếp vào cải thiện đời sống vật chất của nhà giáo nhưng những nỗ lực trên đã cởi trói cho nhiều giáo viên, giải thoát họ khỏi cảnh chật vật, tốn kém để “chạy chứng chỉ” một cách hình thức, vô nghĩa để hợp thức hóa hồ sơ.
Khi Luật giáo dục 2019 được ban hành, có thêm một thay đổi nữa liên quan chuyện lương giáo viên: xác định trình độ chuẩn giáo viên mầm non là cao đẳng; tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông là đại học. Việc nâng chuẩn trình độ đào tạo này là cơ sở để tăng mức lương khởi điểm của giáo viên mầm non (từ 1,86 lên 2,10), giáo viên tiểu học (từ 1,86 lên 2,34) và giáo viên trung học cơ sở (từ 2,10 lên 2,34). Gỡ từng vướng mắc nhỏ như thế, nhưng theo lãnh đạo Cục Nhà giáo, vẫn động đến nhiều quy định chồng chéo, liên quan tới các bộ, ngành khác nên “rất khó khăn”.
Căn vào Luật giáo dục 2019 thì thấy chính sách tiền lương giáo viên sẽ có những thay đổi đáng kể. Nhưng thay đổi có đồng nghĩa với việc giúp “giáo viên sống được bằng thu nhập từ nghề” hay không, không ai đảm bảo.
Theo đó, việc tính lương sẽ không lấy hệ số nhân với lương cơ sở mà tiền lương được tính toán theo vị trí việc làm. Giáo viên sẽ được đánh giá theo bộ chuẩn về năng lực và phẩm chất. Với cách làm này, không phải cứ làm lâu năm thì lương cao hơn, do vậy có thể giải quyết được bất cập về việc “cào bằng” theo hệ số cấp bậc. Ưu điểm của thay đổi này là lương giáo viên mầm non, tiểu học, THCS sẽ tăng, giáo viên mới vào ngành sẽ được chi trả theo đúng công sức lao động, vị trí việc làm. Nhưng Luật giáo dục (có hiệu lực từ tháng 7-2020) hiện vẫn phải chờ các quy định, hướng dẫn về chính sách cải cách tiền lương, do vậy tới tháng 7-2022 mới thực hiện cách tính lương mới. Câu chuyện lương cho giáo viên vì thế đang ở “thời kỳ quá độ”. Và hơn 1,2 triệu nhà giáo trên cả nước vẫn tiếp tục chờ. Đó là sự chờ đợi đơn giản nhất về sự “đủ sống” của đồng lương, chưa nói tới “cải thiện đời sống nhà giáo” hay “tạo động lực”…
Quan điểm trong bài viết này có thể cần tranh luận thêm, song rõ ràng bài toán tăng lương cho giáo viên – một món nợ treo lửng lơ mấy thập niên qua – nên được tiếp cận thêm từ nhiều góc độ khác để đi tới một giải pháp hiện thực.
Tháng 11-2006, khi còn là bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố: “Năm 2010, giáo viên có thể sống được bằng lương” – một lời hứa khiến 778.000 giáo viên trong cả nước lúc đó, từ nông thôn đến thành thị, thấy tràn đầy hy vọng.
Nhưng ngày 21-1-2009, ngay trước Tết Nguyên đán, cũng chính ông Nhân kêu gọi doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng chung tay đóng góp “để các thầy cô giáo có một cái Tết ít thiếu thốn hơn ngày thường, có được mâm cơm để cúng ông bà, tổ tiên, có được chiếc áo mới cho cha mẹ, con cái, có được chiếc bánh chưng, bánh tét ăn ngày mồng 1 Tết”. Nghĩa là, chỉ một năm trước “cái hẹn 2010”, ông Nguyễn Thiện Nhân đã phải thừa nhận, là bộ trưởng, nhưng ông đã không góp phần lo được cái Tết của gia đình 800.000 thầy cô giáo. Năm đó, một giáo viên vùng cao được nhận 100.000 đồng thưởng Tết, đủ mua 3kg thịt mông – nhờ lời kêu gọi của bộ trưởng.
Năm 2010, khi số giáo viên cả nước đã tăng lên thành 819.000 người, tất cả lại tiếp tục hy vọng và chờ đợi.
Khi thay ông Nguyễn Thiện Nhân để trở thành tân bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Phạm Vũ Luận cũng nói: “Đã đề xuất cải cách lương giáo viên”.
5 năm sau, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lại chia sẻ: “Lương giáo viên là món nợ mà tôi day dứt”.
Và tháng 4-2021, sau khi nhậm chức, tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tiếp tục bày tỏ: “Tôi mong đời sống người giáo viên được cải thiện hơn”. Lúc này, cả nước có 1,24 triệu giáo viên cùng chờ đợi.
Ở đây cần nhắc lại một điều: năm 1996, nghị quyết TW2 khóa VIII (về định hướng chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000) đã khẳng định: Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Năm 2013, nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nhắc lại điều này. Nghĩa là, mục tiêu tăng lương cho giáo viên đã được xác quyết từ cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước. Và các bộ trưởng Bộ GD&ĐT có trách nhiệm hiện thực hóa mục tiêu ấy.
15 năm, 4 đời bộ trưởng, cùng một mục tiêu, cùng một lời hứa. Nhưng giờ thì ba bộ trưởng đã rời chức vụ, nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đi qua được 4 tháng, ước vọng “sống được bằng lương” của các thầy cô giáo vẫn ở đâu đó thì tương lai.
Thật ra, muốn tăng lương cho giáo viên không phải không có cách.
Cách thứ nhất, cũng là cách dễ nhất và nhanh nhất, là tăng học phí. Nhưng với khu vực công, tăng học phí không phải là việc dễ dàng vì điều này đi ngược lại chính sách của Đảng và Nhà nước. Tăng học phí trường công sẽ là một trong những chính sách làm mất lòng dân nhất và có thể là sự “tự sát chính trị” đối với các chính trị gia mới lên. Chẳng nói đâu xa, hồi tháng 11-2020, chỉ một ngày sau khi công bố dự thảo nghị định mới đề xuất tăng học phí ở tất cả các cấp, Bộ GD&ĐT đã phải rút đề xuất này vì phản ứng bất bình của dư luận.
Giấc mộng tăng lương cho giáo viên của các bộ trưởng GD&ĐT còn gặp phải trở ngại lớn và mới: một số tỉnh thành muốn miễn học phí cho học sinh cấp I-II. Một số tỉnh thành khác thì cổ xúy cho việc không tăng học phí. Dẫu đây là một đề xuất hợp lòng dân, nó rất khó để thành hiện thực. Khi chưa tăng được mức lương giáo viên khu vực công, việc bỏ thu học phí sẽ càng đẩy ngành giáo dục vào thế kẹt của nguồn thu.
Đảm bảo thu nhập cho giáo viên là trách nhiệm của không chỉ ngành giáo dục mà còn cả hệ thống chính trị. Chừng nào chưa thể mang lại cho hơn 1 triệu giáo viên công lập một mức lương hấp dẫn và sống được, chừng đó rất khó nói đến chuyện miễn học phí. Giáo viên là một trong những trụ cột của giáo dục, việc họ không thể sống được với nghề sẽ kéo tụt sự phát triển của giáo dục Việt Nam.
Và vì thế, việc tăng lương giáo viên không nên bị mặc nhiên coi là nhiệm vụ của trung ương, phải coi nó là một chỉ tiêu giao cho các địa phương. Nếu Thủ tướng và Chính phủ, hoặc các tổ chức độc lập xây dựng được một chỉ số đánh giá năng lực/tài năng chính trị của các bí thư/chủ tịch tỉnh, trong đó có một chỉ số là: thu nhập trung bình trên đầu người của một giáo viên khu vực công theo tỉ trọng GDP trên đầu người, công bố hằng năm xếp hạng chỉ số này, thì tôi tin rằng cũng sẽ tạo cơ chế khuyến khích và áp lực cần thiết lên các lãnh đạo tỉnh nhằm tăng thu nhập giáo viên.
Việc này cũng giống như việc công bố chỉ số Năng lực cạnh tranh tỉnh (Competitive Provincial Index – CPI) hằng năm. Lãnh đạo nào có chỉ số đánh giá thấp thì sẽ mất uy tín. Đó sẽ là động lực cho họ trong việc nghĩ ra các giải pháp để giải quyết bài toán thu nhập của giáo viên: có thể là kêu gọi tài trợ của doanh nghiệp tỉnh nhà; có thể là đưa ra các chính sách trao đổi như đổi dự án bất động sản lấy quỹ giáo dục, đổi đất giáo dục lấy quỹ phúc lợi giáo viên; xây dựng nhà ở ưu đãi để thu hút giáo viên giỏi…
Nhưng nếu cứ luẩn quẩn mãi trong việc tìm giải pháp tăng lương cho giáo viên bằng các nguồn thu ngân sách, ta sẽ dễ bị rơi vào cảnh lực bất tòng tâm. Câu chuyện thu nhập của giáo viên là bài toán mà cả giáo dục công lập và giáo dục tư nhân có thể cùng bắt tay nhau để giải.
Đầu tiên, cần giảm bớt áp lực cho khu vực giáo dục công bằng cách khuyến khích giáo dục tư nhân. Hiện giờ khu vực tư nhân mới chỉ chiếm 2,5% trong quy mô giáo dục Việt Nam. Nếu khu vực tư nhân chiếm 30% tổng số học sinh sinh viên, thì áp lực trả lương giáo viên khu vực công lên ngân sách nhà nước sẽ giảm đáng kể, đồng thời thu nhập của người làm giáo viên ở khu vực tư nhân sẽ được cải thiện, theo quy luật kinh tế thị trường.
Một trong những việc mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã làm được trong nhiệm kỳ nhiều tranh cãi của mình chính là ban hành nghị định 86 (về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục). Đây là một cải cách có tính đột phá nhằm đẩy mạnh đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục, khuyến khích khu vực giáo dục tư nhân phát triển. Dù vẫn còn một số hạt sạn trong nghị định 86, ví dụ như điều kiện để thành lập đại học tư nhân quá khắt khe, đây vẫn có thể coi là một bước tiến của giáo dục Việt Nam, là bàn đạp quan trọng cho giáo dục tư nhân phát triển, cũng là một cách gián tiếp để cải thiện thu nhập của giáo viên khi để cơ chế thị trường điều chỉnh nó thay vì ngân sách nhà nước.
Với một chính sách đúng thì việc khu vực tư nhân đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục là việc không hề khó. Chỉ cần chính sách khuyến khích đúng, khu vực tư nhân sẽ tham gia giải quyết được đáng kể nhiều vấn đề mà Nhà nước khó giải quyết kịp thời. Một ví dụ cho thấy điều này: Việt Nam đã trở thành một trong những nước dẫn đầu về sử dụng và lắp đặt nguồn năng lượng mặt trời trên thế giới chỉ sau vài năm khi chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo được đưa ra.
Nhưng ban hành chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào giáo dục lại không phải việc của một mình Bộ GD&ĐT. Ngoài việc đưa ra các chính sách thu hút, thủ tục xin giấy phép hoạt động cũng cần phải rút ngắn và gọn gàng hơn. Hiện giờ phải mất 5-10 năm để xin được 1 cái giấy phép đại học, và không ít hơn 1 năm để xin được giấy phép hoạt động trường phổ thông, trong khi tuyển sinh lại theo mùa. Đất dành cho giáo dục chưa có ưu đãi. Có quá nhiều rào cản làm nản chí những doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư giáo dục.
Trong nhiều năm qua, một trong những cách khác để cải thiện thu nhập giáo viên mà một số thành phố đã áp dụng là cho phép hợp tác công tư trong trường công. Giống như chuyện bệnh viện công cho khám dịch vụ, khi mới triển khai, cách làm này đã vấp phải không ít ý kiến phản đối. Nhưng đã tới lúc cần tổng kết lại mọi khía cạnh ưu khuyết của hình thức hợp tác này để có những quyết định cụ thể và thực tiễn hơn.
Phát ngôn đầu tiên của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khi nhậm chức là mong muốn cải cách lương giáo viên. Trăn trở của ông cũng là trăn trở của tất cả những người làm giáo dục. Nên tôi hy vọng bộ trưởng sẽ cân nhắc coi việc phát triển giáo dục tư nhân như thêm một lời giải cho bài toán này – bài toán mà nhiều đời bộ trưởng trước ông đã để lại cho những người kế nhiệm.
Nội dung: VĨNH HÀ, NGUYỄN QUỐC TOÀN Hình ảnh: NAM TRẦN, VĨNH HÀ, HUY TRẦN, ĐÀO THỊ PHƯỢNG, TRẦN MAI, NGUYỄN QUỲNH Thiết kế: KIỀU NHI Concept: BẢO SUZU