Cuộc điện thoại bất ngờ
Ngày 02/11 đang làm việc ở công ty, chị Nguyễn Thị Thanh Phương (SN 1978, hiện sống ở phường Trường Thi, TP. Nam Định) nhận được cuộc điện thoại từ người bạn ở Hà Nội. Người bạn nói rằng, trên mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh một phụ nữ sống ở Trung Quốc tìm bố mẹ và em gái ở Việt Nam. Thông tin cần tìm rất giống với gia đình chị Phương.
Thông tin đăng tải trên mạng xã hội
Vội vàng vào mạng, chị Phương bật khóc khi nhìn thấy bức ảnh vì nhận ra đó là chị Nguyễn Thị Hồng Loan (SN 1976) – chị gái duy nhất của mình. “Chị mất tích 30 năm trước. Lúc ấy chị 15 tuổi, đang học lớp 9”, chị Phương xúc động nói.
Bố mẹ chị Phương sinh được 2 người con gái. Năm 1991, sau khi thấy con gái đi học và không trở về nhà, gia đình chị Phương đi tìm khắp nơi.
“Nhà tôi còn đi khắp các tỉnh biên giới, tìm kiếm trên đó suốt nhiều tháng trời”, chị Phương nhớ lại. Với chị Phương và gia đình, đó là những năm tháng không thể nào quên: “Tôi và bố mẹ đã khóc rất nhiều khi thấy không còn hy vọng nào để tìm được chị”.
Chị Trần Bích Thủy (hiện sống ở Mỹ Lộc, Nam Định), người đăng tải thông tin tìm gia đình của chị Loan lên mạng cho biết, ngày 01/11, hàng xóm của chị là ông Phan Văn Sơ sang chơi. Đúng lúc đó, con gái ông đang ở Trung Quốc điện về cho bố và kể mới gặp một phụ nữ người Việt tên Loan.
“Chị Loan bị bán sang Trung Quốc từ 30 năm trước. Hiện chị muốn tìm bố là Nguyễn Xuân Dương, mẹ là Đào Thị Mai, em gái là Nguyễn Thị Thanh Phương, quê quán Hà Nam Ninh. Trước bố mẹ làm ở nhà máy dệt kim, gần đường tàu”.
Nghe thông tin từ con gái, ông Sơ nghĩ đến nhà máy dệt kim ở TP.Nam định (cách nhà ông khoảng 8km, trước năm 1991 Nam Định thuộc tỉnh Hà Nam Ninh) nên đạp xe đến khu vực này tìm. Tuy nhiên, ông không tìm được.
Biết chuyện, chị Trần Bích Thủy đề nghị được đăng tải thông tin và hình ảnh chị Loan lên mạng xã hội với hy vọng sẽ tìm được nhanh hơn. Không ngờ, chỉ hơn 1 ngày đăng tải, chị Phương đã liên lạc và tin rằng đó là chị gái của mình.
5h chiều ngày 02/11, chị Phương tìm đến nhà chị Thủy. Sau đó, 2 người cùng sang nhà ông Sơ, nhờ ông gọi điện sang Trung Quốc cho con gái vì từ đó mới gặp được chị Loan.
Giây phút đầu tiên nhìn thấy chị Loan qua video, chị Phương đã khẳng định đó là chị gái mình. “Sau 30 năm, chị ấy khác nhiều nhưng tôi vẫn nhận ra”. Trong khi đó, phải mất 1 khoảng thời gian ngắn, chị Loan mới nhận ra em gái.
“Chị Loan không nói được tiếng Việt, phải nhờ con gái ông Sơ phiên dịch. Nhưng lúc đó, hai chị em cùng khóc nên không nói được gì nhiều”, chị Phương kể lại.
Cuộc gặp mặt qua video sau 30 năm
8h tối, sau khi đã về đến nhà, chị Phương và mẹ lại gọi video sang Trung Quốc cho chị Loan. Cuộc gọi kéo dài đến 12h khuya, nhưng câu chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi nước mắt và những tiếng sụt sùi.
“Tôi khóc, chị Loan khóc, mẹ cũng khóc”, chị Phương chia sẻ. Người mẹ năm nay 71 tuổi không thể ngờ có một ngày gặp lại con gái nên phần lớn thời gian cuộc gọi, bà chỉ ngồi nhìn con và khóc.
Qua lời phiên dịch của con gái ông Sơ, chị Phương đã hiểu lý do vì sao, đến tận bây giờ, chị gái của mình mới tìm lại gia đình.
“Chị Loan kể rằng, năm đó (1991 – NV), chị được người quen rủ đi chơi nên không đề phòng, không ngờ người đó bán chị sang Trung Quốc. Ở xứ người, trong nhiều năm liền, chị không được gặp gỡ bất cứ ai nên không thể báo tin về nhà. Hiện, chị chỉ nhớ và viết được tên bố mẹ, em gái cùng chút thông tin như mạng xã hội đã đưa”, chị Phương chia sẻ.
Chị Loan cũng nói với mẹ và em gái rằng, suốt 30 năm qua, chị luôn nhớ quê hương nên vẫn canh cánh ước mơ tìm lại gia đình. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh không cho phép nên chị chưa thực hiện được. Gần đây, có cơ hội, chị Loan mới đến cơ quan công an để hỏi thủ tục về Việt Nam. May mắn, tại đây, chị gặp được con gái ông Sơ nên nhờ người này tìm gia đình giúp.
Chị Phương khóc khi nhìn thấy chị gái mất tích 30 năm qua.
Sau giây phút mừng mừng tủi tủi vì xa cách người thân suốt 30 năm, chị Loan cũng kể cho gia đình về cuộc sống hiện tại của mình.
“Chị lấy chồng hơn mình 2 tuổi, hiện có 3 người con. Con gái lớn của chị sắp lập gia đình. Chị cũng nói, chồng chị rất tốt, từ ngày lấy chị, anh chưa từng đánh mắng chị một lời nào. Hôm qua, chị còn quay video cho cả nhà xem căn nhà mới xây to, đẹp của chị ở Hà Bắc, Trung Quốc”, chị Phương thuật lại, giọng đầy hạnh phúc.
Chị Phương cho biết, trong cuộc gọi video ấy, gia đình chị cũng được gặp mặt người chồng Trung Quốc của chị Loan. “Anh ấy đi làm về rất muộn, khoảng 11h30 khuya nhưng cũng ra nói chuyện với mọi người. Anh bảo, hai vợ chồng đang làm thủ tục để về Việt Nam”.
“Hiện, do tình hình dịch bệnh nên ngày gặp mặt không biết sẽ là 6 tháng hay 1 năm nữa nhưng chỉ cần biết chị còn sống, khỏe mạnh, cuộc sống tốt đẹp là cả nhà tôi hạnh phúc rồi. Chỉ tiếc, bố tôi đã qua đời cách đây 15 năm nên không được chứng kiến ngày đoàn tụ này”, chị Phương nói, giọng bồi hồi.
Linh Giang