Chiến tranh không chỉ là bức tranh đau thương và đầy mảnh vỡ trong tưởng tượng của mỗi người mà kể cả khi nó đã kết thúc, bom đạn vẫn vô tình in hằn những vết sẹo lên trí nhớ của những người đã trải qua năm tháng đó. Để rồi khi hòa bình lập lại vẫn có những trang văn đau đáu ám ảnh, xúc động người ở lại và thế hệ mai sau và Nắng đồng bằng là một tác phẩm như thế.
Cũng đi trên con đường văn chương viết về thời chiến, nhà văn Chu Lai đã khắc họa cuộc chiến đầy đau thương và mất mát ấy qua lăng kính của tình người, tình thân trong tiểu thuyết Nắng đồng bằng.
Contents
Đôi nét về nhà văn Chu Lai và tác phẩm Nắng đồng bằng
Đại tá, nhà văn Chu Lai tên khai sinh là Chu Văn Lai, ông sinh năm 1946 tại xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên và là con trai của nhà viết kịch nổi tiếng Học Phi.
Trong chiến tranh Việt Nam, ông là một chiến sĩ đặc công hoạt động trong vùng Sài Gòn, sau đó theo học tại trường viết văn Nguyễn Du.
Chính vì sinh ra và lớn lên trong những năm tháng kháng chiến gian khó, cũng như trực tiếp cầm súng tham gia vào tiền tuyến nên nhà văn hiểu hơn ai hết những khổ cực và mất mát mà chiến tranh mang lại.
Sự gan góc, tỉnh táo của một người lính đặc công hòa vào tâm hồn văn chương dạt dào cảm xúc là nhịp đập mạnh mẽ luôn thôi thúc nhà văn cầm bút và viết bằng tất cả những chân thành của con tim.
Từ đó, không ít tác phẩm về chiến tranh đã được ra đời dưới cái tên Chu Lai. Các tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như Ăn mày dĩ vãng, Phố, Mưa đỏ hay Gió không thổi từ biển. Ngoài ra ông còn viết một số kịch bản sân khấu, kịch bản phim và tham gia diễn xuất.
Chiến tranh đòi hỏi anh hãy miêu tả nó như nó vốn có, nếu anh tô đen nó lắc đầu, tô hồng nó cũng lắc đầu. Nó vừa trần trụi vừa hào hùng, vừa khốc liệt nhưng vừa lãng mạn. Chúng ta hay quên một điều rất quan trọng rằng sở dĩ ta chiến thắng trong một cuộc chiến kỳ tích thường hay nói về lý trí, khí phách, lòng tự tôn lý tưởng mà quên một điều quan trọng hơn có lẽ chỉ quân đội Việt Nam mới có đó là sự lãng mạn. Sự lãng mạn là cội nguồn văn hóa, cội nguồn hàng nghìn năm của ông cha mới đúc kết thành kết tủa như vậy. Văn hóa đó chính là sự lãng mạn, nó làm giảm nhẹ rất nhiều sự chết chóc, giảm đi nhiều đau thương như đôi cánh nâng ý chí con người tạo nên sức mạnh tinh thần.
– Chu Lai
Tiểu thuyết Nắng đồng bằng là một trong số những tiểu thuyết đầu tiên của nhà văn Chu Lai, một tác phẩm xuất sắc viết về chiến tranh Việt Nam và về người lính bởi tất cả những cảm xúc bi tráng nhưng rất đỗi mong manh.
Nắng đồng bằng đúng như tên gọi của cuốn sách, khi gay gắt tựa ánh nắng ngày hạ khi lại mơn man trong trẻo nơi hương vị của tình yêu, tình người.
Nắng đồng bằng là khuôn mặt bi thương của chiến tranh
Cuốn sách kể về một đơn vị lính đặc công nhận nhiệm vụ xuống vùng ven sông Sài Gòn để trinh sát và nghiên cứu địa bàn.
Ở vùng cài răng lược này, mỗi ngày những người lính đều phải đối mặt với thám báo, phản bội, chiêu hồi. Sống trong những hiểm nguy ấy, người lính đặc công đã vượt lên nghịch cảnh, chiến thắng chính bản thân và thậm chí là hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ.
Chiến tranh đón những người lính khi họ còn là bao chàng sinh viên ngây ngô và đầy hoài bão. Khi hòa bình lập lại, họ được trả lại cuộc đời nhưng một mảnh tâm hồn đã rơi rớt nơi chiến trường, giờ đây những con người ấy chỉ là những gã đàn ông chai sạn đã quá quen với đau đớn và cái chết.
Mảnh hồn ấy của họ bị bỏ lại trong những trận đánh nảy lửa hay những đêm dài hành quân băng rừng.
Nhân vật trung tâm Linh, một chiến sĩ trinh sát có đôi tay quen với súng đạn cũng đã từng là một sinh viên đại học nhiều mộng ước.
Kể từ trận sốt rét đầu tiên ở cuối đường dây, cùng với năm tháng, thể lực hiếm có của Linh đã sút đi nhiều. Và sức bay bổng của tâm hồn anh cũng đằm xuống, cụ thể, góc cạnh hơn. Một cái gì như sự khắc khổ, từng trải đã toát ra từ nơi vóc dáng anh, con mắt anh – Con mắt giàu ước mơ. ấy vậy, sau mỗi cam go, Linh xúc động nhận thấy rằng: chính đôi cánh ước mơ thuở học trò đó đã nâng, đã gọi anh dậy, mách cho anh biết hy vọng.
– Nắng đồng bằng
Chàng trai Hà thành hào hoa đã trải qua ngần ấy năm tháng kháng chiến, nhìn thấy từng đồng đội của mình ngã xuống và ở nơi hậu phương, anh cũng bỏ lỡ người con gái thương mến từng nói sẽ chờ đợi mình cả đời.
Chiến tranh tôi luyện Linh trở nên gan dạ, cứng cỏi nhưng chính nó cũng đã tước mất một phần cuộc đời cũng như trái tim anh.
Song đôi lúc anh lại cảm thấy trống trải, bâng khuâng. Một thứ buồn dìu dịu. Vậy là mình cũng đã nếm trải đủ mùi vị cuộc đời: tán bàng giữa sân trường, ánh đèn sân khấu, tình yêu, những ngày hành quân chiến đấu gian khổ, đói khát… Nay thêm cả hương vị là lạ của sự thất tình. Phải chăng đó cũng là một sự mất mát? Mất tuổi trẻ, mất tình yêu… Tuổi trẻ của Linh đã dành cho mảnh đất này, đã gắn bó với mảnh đất này. Hôm nay, ngày mai, anh có thể mất đi một vài chi tiết trên thân thể, thậm chí có thể mất mạng nữa. Đã lao vào cuộc là phải có gan chịu mất mát. Nhưng nếu có kẻ nào, ngay bây giờ, bắt anh phải đánh đồi cuộc sống này… Đừng hòng Linh nắm chặt bàn tay trong bóng tối. Và anh ngủ thiếp đi.
– Nắng đồng bằng
Linh chỉ là một trong vô số những con người đã chịu thật nhiều đau thương trong chiến tranh, họ đã bị chiến tranh cướp đi cả cuộc đời, bị tước đoạt mạng sống bởi những kẻ mình thậm chí còn chẳng biết tên tuổi hay không có bất cứ thù hằn nào.
Những mất mát, đớn đau lần lượt xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết như nét khắc họa đầy trần trụi về cuộc chiến.
Đó là Tùng, chàng trai trắng trẻo, dịu dàng như con gái phải chịu cái chết thảm khốc khiến người đọc rùng mình sợ hãi. Còn cả Sáu Hóa, người đội trưởng hào sảng, dũng cảm và dạn dày kinh nghiệm đã phải bỏ mạng sau một cuộc đánh, để lại cha mẹ già cả và người vợ hiền ngày đêm nhớ mong.
Ở tiền tuyến chiến đấu, hứng chịu bom đạn hàng ngày đã vô cùng gian khổ nhưng với những người lính sống ở vùng “cài răng lược” địch và ta lẫn lộn như các chiến sĩ trong Nắng đồng bằng, ranh giới giữa sự an toàn và nguy hiểm càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Bao nhiệm vụ phức tạp và cam go tại vùng đồng bằng ấy đòi hỏi con người luôn nhạy bén, tỉnh táo và thậm chí phải nghi kị lẫn nhau.
Qua đó mà biết bao tình huống khó khăn thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng được bày ra trước mắt người lính. Từ bữa cơm với măng và rau rừng đạm bạc đến những trận đột kích hiểm nghèo, tất cả đã được nhà văn Chu Lai khắc họa cốt để độc giả thấy được trong đó phần nào những đau thương, vất vả muôn phần mà chiến tranh mang lại.
Khi những tia nắng của tình thương và niềm tin thắp lên sự kiên cường
Dù vậy trong Nắng đồng bằng tuyệt nhiên không chỉ toàn buồn khổ, người đọc vẫn thấy đâu đó niềm vui và hy vọng chiến thắng.
Điều ấy nằm lại trong đôi mắt huyền của Năm Thuý cùng nét duyên mà nàng vẫn luôn giữ gìn giữa mưa bom lửa đạn. Người đọc cũng thấy thấp thoáng bóng dáng của niềm tin sôi sục ở sự hài hước của Sáu Hoá, Tư cò hay những anh lính trẻ như Lang.
Ngay trong cái mỏng manh tưởng như thổi một cái là tan, con người vẫn bình thường hoá cuộc sống được mới là điều hết sức nên làm. Chả có gì quan trọng cả. Chết thì thôi. Sống, phải cho đàng hoàng, đỏm dáng một chút. Gian khổ cũng vơi đi.
– Nắng đồng bằng
Viết về một phần tuổi trẻ, nhà văn Chu Lai chắc chắn sẽ không bỏ qua tình yêu dù ấy là thứ tình cảm gian nan và hiểm nghèo giữa khói lửa đạn bom. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, độc giả dần dần nhận ra tình yêu đẹp đẽ, đáng quý giữa Linh và Thuý.
Tình cảm bắt đầu trong trẻo như ánh ban mai khi Linh thấy khuôn mặt Thuý e lệ sau vạt tóc. Thứ tình cảm ấy lớn dần lên vượt qua tình đồng chí, tình bạn bè đủ để Linh gọi đó là tình yêu.
Dẫu vậy, lời tỏ tình mãi vẫn chưa thể ngỏ, Linh bấy giờ lại trở thành chàng thanh niên khờ dại đầy lúng túng trước tiếng yêu.
Đến lúc này, khi cô ấy ngoảnh mặt đi thờ ơ, lạnh nhạt mới thấy con người ấy xa xôi, không thể với tới được Thúy! Thúy vẫn còn giận tôi ư? Hay Thúy đã quên rồi! Mới xa có ít tháng mà trên lúm đồng trinh của Thúy, tôi lại thấy thêm một vết nhăn. Thúy ơi! Tôi… Tôi yêu em thật rồi! Yêu em thực sự rồi! Em có biết không! Trở lại với anh đi. Anh cần nói chuyện với em…
– Nắng đồng bằng
Tình yêu trong Nắng đồng bằng còn rơi rớt nơi mối tình thầm của Hai Thanh dành cho Sáu Hoá. Đó chỉ là tình cảm giữa những người đồng chí, anh em hay là tình yêu cao đẹp của Hai Thanh khi chấp nhận ở bên chăm sóc Sáu Hoá suốt những ngày tháng vất vả dù cho anh vẫn luôn mong ngóng về người vợ nơi quê.
Cô ấy đang khóc. Đừng! Đừng ai nhìn, ai nói gì cả. Cứ để cho Thanh khóc. Những giọt nước mắt vì yêu, vì thương, vì… cái mất mát tìm đến nhau, cứ để cho nó chảy ra. Nỗi đau buồn sẽ vơi đi, cuộc chiến đấu này sẽ đẹp hơn.
– Nắng đồng bằng
Tình người, tình yêu luôn âm thầm xuyên suốt chặng đường của người lính, để dẫu đối mặt với biết bao gian khổ, họ vẫn giữ niềm tin vào tương lai tươi sáng.
Nghệ thuật miêu tả cảnh vật trong Nắng đồng bằng
Hầu hết mỗi chương trong cuốn tiểu thuyết đều bắt đầu bằng một đoạn văn miêu tả nắng. Ánh nắng khi gay gắt chói chang như những thử thách mà người lính gặp phải trong kháng chiến, lại có khi những vạt nắng dịu dàng như trái tim người chiến sĩ rung động trước cảnh vật quê hương hay nhớ nhung nơi chốn cũ.
Chà. Nắng thế mới gọi là nắng! Nắng ra nắng. Thì ra những cái tưởng như quá tầm thường, có khi tới cuối đời mới khám phá ra sự tuyệt vời của nó. Nắng lúc mỏng tang, lúc sánh lại cảm giác nếu đưa lưỡi ra, sẽ nếm ngay được các vị tê tê ngòn ngọt của nó.
– Nắng đồng bằng
Nắng hoà cùng thiên nhiên, trải suốt vạt sông như an ủi tâm hồn người chiến sĩ trong những ngày tháng vất vả. Thiên nhiên và con người ôm ấp bảo vệ người lính, để khoảng thời gian kháng chiến chẳng còn mấy nhọc nhằn.
Chiều thở phập phồng trên sông rạch. Tia hào quang cuối cùng đã hắt lên không gian. Mặt sông còn chan chứa nắng, nhưng trong rừng đã xẩm tối. Những đám bèo bọt trên sông trôi lừ đừ, uể oải. Nước sắp chuyển sang ròng.
– Nắng đồng bằng
Nắng đồng bằng là một cuốn tiểu thuyết đáng đọc về chiến tranh Việt Nam. Viết về chiến tranh là viết về nỗi đau, mất mát nhưng nhà văn Chu Lai không hề để điều đó khiến cho những dòng văn của ông trở nên bi thiết.
Chính tình cảm nhớ nhung và hồi ức chân thật của một nhà văn cũng từng là một người lính đã biến mỗi trang viết trở thành một khúc quân hành dạt dào cảm xúc.
Nét đẹp của người lính trong cuốn sách cũng được bộc lộ sâu sắc, đúng như nhà văn Chu Lai đã từng có lần nhận xét:
Cuộc đời có thể xô đẩy người lính, quăng quật người lính nhưng người lính vẫn bật lại để sống xứng đáng với màu xanh áo lính.
– Chu Lai
Chiến tranh đã lùi xa nhiều thập kỉ nhưng những trang văn của Nắng đồng bằng vẫn in đậm trong tâm trí người đọc về một thời đau thương mà hào hùng của dân tộc. Dẫu nhiều gian nan và bi kịch nhưng đâu đó vẫn sáng lên tia nắng của tình người ấm áp, dư âm cuốn tiểu thuyết còn vang mãi trong lòng độc giả.
Tuệ Anh