Bài học SEA Games
Cách đây 2 tháng, giới truyền thông Việt Nam tác nghiệp tại Philippines đã chứng kiến hình ảnh HLV đội tuyển karatedo Việt Nam Nguyễn Hoàng Ngân mở rộng vòng tay động viên cô học trò Nguyễn Thị Phương sau khi thua đối thủ Indonesia ở trận chung kết biểu diễn quyền kata cá nhân nữ SEA Games 30.
Nguyễn Thị Phương đã bật khóc sau khi chỉ giành HCB cá nhân kata nữ SEA Games 30. Ảnh: Trọng Hải
Hơn ai hết, Hoàng Ngân biết sức ép mà Nguyễn Thị Phương phải đối mặt ở tuổi 20. Trong những giọt nước mắt của Phương, Hoàng Ngân như thấy lại hình ảnh chính mình trong quá khứ:
“Thời điểm đó, tôi chỉ nói với Phương một điều: Những gì em mất, em không đạt được hôm nay, rồi em sẽ giành được nhiều hơn trong tương lai.
Điều quan trọng là VĐV phải tự cảm nhận được thất bại, mình sai ở đâu, còn thiếu gì và tự nỗ lực hoàn thiện từng ngày.
HLV có thể nhìn ra, có thể đưa ra ý kiến, truyền cảm hứng. Nhưng chỉ có cá nhân VĐV mới có thể tạo ra sự thay đổi, đột phá về chuyên môn.
Với tôi, điều Phương thiếu là thời gian. Em mới có khoảng 8 năm luyện tập. Trong khi để có những thành công, tôi cũng phải mất hơn chục năm”, HLV Nguyễn Hoàng Ngân trò chuyện cùng Dân Việt.
Sau thất bại ở nội dung cá nhân, Nguyễn Thị Phương (ngoài cùng bên phải) cùng với Thu Uyên (giữa), Khánh Ly đã giành HCV đồng đội kata SEA Games 30. Ảnh: Trọng Hải
Trong sâu thẳm, Hoàng Ngân hiểu học trò của mình phải đối mặt với những gì trên hàng trình giành vé dự Olympic Tokyo 2020 – kỳ Thế vận hội đầu tiên karatedo được đưa vào chương trình thi đấu chính thức.
“Tôi đã từng ao ước có ngày nào đó karatedo sẽ xuất hiện tại Olympic và cuối cùng nó cũng đến.
Nhiều người bạn ở Nhật Bản, một số chuyên gia quốc tế nói tôi vẫn còn có thể thi đấu, có thể ghi dấu ấn một lần nữa, bởi những VĐV cùng thời với tôi hiện vẫn đang nằm trong tốp 5 thế giới và sẽ thi đấu tại Olympic 2020.
Nhưng tôi biết mình đang ở đâu. Kể từ năm 2015, tôi đã quyết định lùi lại phía sau, tập trung đầu tư tâm huyết cho thế hệ trẻ.
Tôi nhìn thấy ở Phương còn nhiều tiềm năng phát triển và em vẫn đang trên hành trình đạt tới “độ chín” trong sự nghiệp”, HLV Hoàng Ngân bày tỏ.
HLV Nguyễn Hoàng Ngân cùng 3 cô học trò Nguyễn Thị Phương – Khánh Ly – Thu Uyên ăn mừng tấm HCV đồng đội SEA Games 30.
Khác với nội dung đối kháng (kumite), cần đến sự nhanh nhạy, phản xạ trong từng thời điểm cụ thể, chứa đựng nhiều bất ngờ khi đọ sức với những đối thủ khác nhau; yếu tố cần nhất trong nội dung biểu diễn quyền (kata) là sự kiên nhẫn, bền bỉ, nỗ lực tích lũy, trải nghiệm qua nhiều giải đấu ở cấp độ cao, vượt qua chính mình trong từng giờ luyện tập và không thể đốt cháy thời gian:
“Suốt thời gian qua, cô trò chúng tôi đã cùng nhau luyện tập. Tôi cố gắng chỉnh sửa, mang hết những kinh nghiệm của mình ra truyền cho Phương.
Thời gian từ nay tới giải Paris (Pháp) – giải đấu có ý nghĩa quyết định tuyển chọn những VĐV cuối cùng dự Olympic chỉ còn 3 tháng nữa.
Biết là rất khó nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn hy vọng quyết tâm, niềm tin của cả tôi và Phương sẽ đạt tới thành quả, mang lại niềm vui, niềm tự hào dân tộc cho mọi người dân Việt Nam”, “nữ hoàng kata” tâm sự.
Hành trình gian nan
Tại Olympic Tokyo 2020, mỗi nội dung thi đấu trong đó có kata cá nhân nữ sẽ gồm 10 VĐV, trong đó, chủ nhà Nhật Bản được đặc cách 1 VĐV có vé vào thẳng. Nếu võ sĩ đó nằm trong tốp 4 VĐV dẫn đầu trên bảng xếp hạng thế giới thì VĐV đứng thứ 5 sẽ nhận vé.
Hiện tại, Nguyễn Thị Phương đang xếp hạng 32 thế giới và không thể nghĩ tới việc chen chân vào tốp 5 nói trên gồm những cái tên kỳ cựu nằm trong độ tuổi từ 28 đến 40, từng thi đấu cùng thời với “nữ hoàng kata” Nguyễn Hoàng Ngân:
“Cuối năm ngoái, do bận nhiệm vụ SEA Games 30 nên Nguyễn Thị Phương đã bỏ lỡ 2-3 giải quan trọng tích điểm đi Olympic, trong đó các VĐV nằm trong tốp 20 vẫn tham dự đầy đủ.
Chẳng còn cách nào khác là thời gian tới Phương phải cố gắng tham dự hết các giải như giải UAE (từ 12 đến 17/2), giải Áo (từ 26/2 đến 2/3).
Sau 2 giải này, thầy trò tôi sẽ về nước và xin kinh phí dự tiếp giải Ma-rốc. Ở những giải này, Phương đều cần có sự tập trung cao nhất để “định vị” trong mắt các trọng tài quốc tế, để họ biết em ở đâu, đang đạt tới trình độ nào trước khi bước vào giải đấu có ý nghĩa quyết định giành vé dự Olympic 2020 tại Paris từ ngày 5 đến 8/5 (giải này đã không còn sự xuất hiện của 5 VĐV tốp đầu đã có vé – PV”, HLV Nguyễn Hoàng Ngân chia sẻ về hành trình của cô và Nguyễn Thị Phương thời gian tới.
Giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, “nữ hoàng kata” Nguyễn Hoàng Ngân tiếp tục theo đuổi đam mê trong vai trò người “mài ngọc” cho karatedo Việt Nam. Ảnh: Cao Oanh
Điểm mạnh của Nguyễn Thị Phương là tốc độ tay nhưng điểm hạn chế cần cải thiện để thuyết phục các trọng tài lại nằm ở sức mạnh cuối cùng khi kết thúc một đòn thế, khả năng điều chỉnh, kiểm soát trạng thái trên sàn đấu ở những trận quyết định.
“Thời gian qua, tôi muốn Phương phát triển hết về cơ rồi mới tập tạ nặng để cải thiện sức mạnh.
Điều quan trọng nhất đối với các VĐV trẻ nói chung và cá nhân Phương nói chung gắn với những điều kiện xã hội hiện nay là họ dễ đạt được một điều gì đó nhưng cũng dễ mất đi.
VĐV cần xác định rõ con đường đi, sự nghiệp của mình và không bao giờ được nhụt chí”, HLV Hoàng Ngân chia sẻ.
“Cô Ngân là thần tượng của em”!
Cảm nhận được niềm tin mà HLV Nguyễn Hoàng Ngân dành cho mình ngay từ khi chấp nhận xa nhà, đến với karatedo khi mới 12, cô gái quê Mê Linh (Hà Nội) Nguyễn Thị Phương đang dồn hết tâm trí, tập trung luyện tập để không phụ sự kỳ vọng:
“Những ngày đầu tiên đến với karatedo em đã rất thần tượng cô Ngân, gần như ngày nào cũng nhắn tin cho cô bày tỏ sự hâm mộ, ước mơ một ngày nào đó làm được như cô.
Ngày tháng qua đi, được cô dìu dắt, chỉ bảo nhiều mới hiểu để có những giây phút đứng trên bục nhận huy chương là những năm tháng dài miệt mài luyện tập trong mọi điều kiện thời tiết hay những ám ảnh chấn thương”, Nguyễn Thị Phương trải lòng.
Nguyễn Thị Phương miệt mài tập luyện với quyết tâm giành vé dự Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Cao Oanh
Khi Dân Việt hỏi trong suốt 8 năm theo đuổi niềm đam mê, có lúc nào cảm thấy chán nản khi nhìn sang bạn bè cùng lứa được thỏa mãn với những sở thích làm đẹp, thời trang, được người thân yêu chiều; trong khi mình chỉ biết tập và tập, đôi khi rèn đi luyện lại mãi một đòn tay, một thế đứng cho chuẩn mực? Nguyễn Thị Phương đáp:
“Em may mắn được gia đình động viên rất nhiều và luôn có cô Ngân cùng các đồng đội bên cạnh.
Năm ngoái em bị chấn thương gối cũng cảm thấy rất buồn khi bỏ lỡ một số giải quan trọng nhưng cô đã tận tình đưa đi điều trị, có những bài tập giúp em hồi phục nhanh và trở lại.
Thực sự, có những lúc cũng nản lắm bởi không hiểu tại sao mình không thể hoàn thành một bài quyền, hay một đòn thế như mong muốn.
Những lúc ấy em hay vội và cuống lắm và cô lại động viên. Đúng là khi cơ thể, nội lực của mình chưa đáp ứng được thì không thể vội được, phải từ từ, tích lũy từng ngày, từng ngày một rồi sẽ làm được. Cô Ngân đã dạy cho em một chữ Nhẫn – điều đã làm nên tên tuổi của cô”.
Khép lại cuộc trò chuyện cùng Dân Việt, người viết cảm nhận được một chút lo lắng xen lẫn tiếc nuối trong mắt “nữ hoàng kata” Nguyễn Hoàng Ngân ngày nào.
Nhưng hơn cả là sự lạc quan trong năm tuổi của mình, là niềm tin về tương lai của cô học trò Nguyễn Thị Phương nói riêng và karatedo Việt Nam nói chung, trong đó có những đóng góp không ngừng nghỉ của Ngân trong vai trò “mài ngọc”.
Đúng như Ngân nói, có lẽ phải thêm 2-3 năm nữa cô mới có thể thấy rõ hình bóng của mình trong những bài quyền của Phương.
Nhưng ngay từ bây giờ, ý chí, tinh thần của Nguyễn Hoàng Ngân đã xuất hiện rõ trong nhiệt huyết luyện tập, những tiếng thét vang mang theo quyết tâm cực cao khi ra đòn của cả đội tuyển karatedo Việt Nam chứ không riêng gì Nguyễn Thị Phương.
HLV Nguyễn Hoàng Ngân: “Giải karatedo Paris (Pháp) diễn ra tháng 5/2020 là cơ hội không chỉ đối với Nguyễn Thị Phương mà còn có ý nghĩa đặc biệt với các VĐV đối kháng khác của đội tuyển Việt Nam cũng tham dự giải. Tôi tin karatedo Việt Nam sẽ có suất chính thức dự Olympic 2020”.