Một bài thuyết trình – phát biểu trước công chúng cũng tương tự như một vở kịch, bộ phim hay bài hát. Mở đầu bài thuyết trình, bạn cần đảm bảo nội dung đủ để thu hút sự chú ý của người nghe. Tiếp theo là triển khai nội dung chính, trước khi đi đến phần kết.
Trên thực tế, nếu không biết cách kết thúc bài thuyết trình, những điểm chính của bài nói sẽ trở nên “mờ nhạt” – thậm chí bị khán giả lãng quên.
Nội dung phần mở đầu và kết thúc sẽ luôn để lại ấn tượng sâu sắc hơn so với những phần còn lại của bài thuyết trình.
Những bài phát biểu “vĩ đại” trong lịch sử luôn kết thúc bằng những ngôn từ mạnh mẽ, gây xúc động và sống mãi trong ký ức người nghe.
Vậy làm thế nào để khi kết thúc bài thuyết trình, khán giả sẽ hoan nghênh bạn?
Contents
9 cách kết thúc bài thuyết trình ấn tượng
Dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ với bạn 9 phương pháp để tạo ấn tượng với khán giả khi kết thúc bài phát biểu.
1. Chuẩn bị trước từng câu chữ
Để đảm bảo phần kết luận gây hiệu ứng mạnh mẽ nhất có thể, bạn phải chuẩn bị trước từng câu từng từ sẽ nói ra.
Hãy tự hỏi chính mình: “Mục đích của buổi nói chuyện này là gì?”
Câu trả lời của bạn cần thể hiện rõ những phản ứng bạn mong đợi từ người nghe sau khi trình bày.
Khi đã hiểu rõ điều mình mong muốn, bạn sẽ thấy việc thiết kế phần kết thúc bài thuyết trình trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Lời khuyên chung là bạn hãy lên kế hoạch cho phần kết luận trước – sau đó mới tới thân bài và cuối cùng là phần mở đầu.
Thân bài là phần bạn trình bày ý tưởng của mình, cũng như tạo tình huống để khán giả suy nghĩ, ghi nhớ và thực hành.
2. Luôn luôn kêu gọi hành động
Lưu ý tối quan trọng khi thiết kế bài thuyết trình là bạn phải cho khán giả biết mình muốn họ làm gì.
Kêu gọi hành động là cách tốt nhất để kết thúc một bài phát biểu. Lấy ví dụ:
“Chúng ta đối mặt với vô vàn cơ hội cũng như thách thức. Nhưng chỉ cần có sự giúp đỡ của các bạn, chúng ta sẽ vượt qua và biến năm nay thành năm kinh doanh tốt nhất trong lịch sử!”
Bất kể điều bạn muốn nói là gì, hãy bao gồm trong đó một lời kêu gọ hành động. Khi đến phần kết luận, chú ý đến năng lượng và nhịp độ trong mỗi câu nói.
Lên giọng và nhấn nhá vào từng câu chữ, cũng như đừng quên đề cập đến thông điệp cuối cùng cần truyền tải.
Dù khán giả có đồng ý với quan điểm của bạn hay thực hiện hành động mà bạn kêu gọi hay không, họ cần hiểu rõ bạn mong muốn họ làm điều gì.
3. Tóm tắt nội dung chính
Sau đây là một công thức chung cho tất cả mọi bài thuyết trình:
- Giới thiệu những gì bạn sẽ nói.
- Trình bày.
- Tóm lại những điều bạn đã nói.
Khi chuẩn bị kết thúc bài thuyết trình, hãy dẫn dắt khán giả bằng những câu như:
“Tôi xin trình bày lại ngắn gọn những điểm chính của phần này…”
Sau đó, liệt kê lại từng nội dung chính, đồng thời chỉ ra mối liên hệ giữa những nội dung đó.
Bằng cách này, khán giả sẽ đánh giá cao bạn hơn; mặt khác, họ cũng sẽ biết được bài phát biểu sắp đi tới hồi kết.
4. Kể một câu chuyện
Ở phần cuối bài phát biểu, bạn có thể nói như sau:
“Để kết thúc bài thuyết trình, tôi xin phép kể các bạn nghe một câu chuyện minh họa cho những chia sẻ của tôi về …”
Sau đó, hãy kể một câu chuyện ngắn gọn liên quan đến chủ đề vừa trình bày – sau đó cho khán giả biết thông điệp rút ra là gì.
Đừng để họ phải tự hình dung điều bạn muốn nói.
Thông thường, mỗi bài thuyết trình nên được kết thúc bằng một câu chuyện minh họa cho toàn bộ nội dung chính trong bài. Cần lưu ý đảm bảo nội dung câu chuyện được liên kết với thông điệp chính của bài phát biểu.