Liệt kê Top Điểm nên đến khi bạn ghé thăm Châu Đốc -Tịnh Biên

Tìm hiểu về Top Điểm nên đến khi bạn ghé thăm Châu Đốc -Tịnh Biên là nội dung mà Tienkiem.com.vn muốn chia sẻ tới các bạn trong

Châu Đốc là một trong hai thành phố của tỉnh An Giang bên cạnh Long Xuyên. Thành phố Châu Đốc nằm cạnh biên giới Việt Nam – Campuchia, là vùng đất có bề dày lịch sử, mang đậm dấu ấn văn hóa phương Nam thời mở cõi. Tọa lạc ở một vị trí độc đáo, trước mặt là ngã ba sông, sau lưng là dãy Thất sơn hùng vĩ, với địa hình núi đá nổi giữa vùng đồng bằng trù phú, liền kề hệ thống kênh, rạch tạo nên cảnh quan thiên nhiên thơ mộng hữu tình. Xin giới thiệu những địa điểm du lịch Châu Đốc thú vị bạn nhất định phải ghé thăm.

Miếu Bà Chúa Xứ

Trong chuyến du lịch An Giang, đến với thành phố Châu Đốc thì không thể bỏ qua Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, bởi nơi đây thể hiện rõ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam. Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc tại chân núi Sam thuộc phường Núi Sam (TP. Châu Đốc) có tên chữ là Chúa Xứ Thánh miếu, thường gọi là miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Miếu được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và xác lập nhiều kỷ lục như: ngôi miếu lớn nhất, tượng đá sa thạch cổ nhất và lớn nhất, có áo phụn cúng nhiều nhất…

Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Miếu Bà và tượng Bà gắn liền với nhiều truyền thuyết huyền bí, hấp dẫn, được lưu truyền qua nhiều thế hệ nổi tiếng linh thiêng và ứng nghiệm “cầu được ước thấy”. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam hàng năm thu hút hàng triệu lượt người đến tham quan, chiêm bái, tạo nên một mùa lễ hội nhộn nhịp, sôi động. Ngày chính vía là 25/4 âm lịch, là ngày tượng Bà an vị sau khi khiêng xuống núi. Công trình Miếu Bà được xây dựng với kiến trúc tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng, ngói xanh cùng với các hoa văn nghệ thuật đặc sắc với nhiều nét chạm trổ tinh tế, công phu và những bức hoành phi vàng son, càng làm tăng thêm sự cổ kính, tôn nghiêm.

Chùa Tây An

Chùa Tây An được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và được xác lập kỷ lục Việt Nam là ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam. Chùa Tây An nằm trên nền cao, thoáng rộng, tựa lưng vào núi Sam vững chãi phía sau, là một công trình kiến trúc mang tính thẩm mỹ cao, xung quanh có nhiều cây cảnh, hoa kiểng tạo cảnh sắc hài hòa. Chính điện của chùa Tây An là nơi thu hút sự chú ý nhất vì có nóc được thiết kế hình tròn củ hành, tương tự các chùa ở Ấn Độ.

Chùa Tây An

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm trên nền cao tựa lưng vào núi Sam, đối diện với miếu Bà Chúa Xứ, là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, nơi an nghỉ của Tổng trấn Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu và nhị vị phu nhân. Lăng Thoại Ngọc Hầu là công trình kiến trúc đặc sắc, cổ kính, với một tổng thể hài hòa mang phong cách lăng tẩm triều Nguyễn.

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Chùa Hang

Chùa Hang nằm trên triền Núi Sam còn được gọi là Phước Điền Tự, cách chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam khoảng 1km. Ngôi chùa có lịch sử hơn 100 năm này còn thu hút khách gần xa bởi câu chuyện về đôi mãng xà bên trong hang núi sâu được cảm hóa, thường đến ăn đồ chay, trông chừng thú dữ, kẻ gian, bảo vệ chốn tu hành. Với lối kiến trúc đặc biệt cùng màu nâu đỏ làm tone chủ đạo, những mái ngói được xây dựng theo hình mũi thuyền cong vút, tạo càng làm tăng sự độc đáo của lối kiến trúc chùa Hang. Du lịch An Giang, ghé thăm chùa Hang, bạn như đi qua cánh cửa mở ra một thế giới mới để trút bỏ mọi vấn vương bụi trần, hòa mình vào không an yên ả trong lành và êm dịu như chốn cổ tích.

Chùa Hang – Phước Điền Tự

Pháo Đài Núi Sam

Đỉnh của núi Sam có tên gọi là Pháo Đài vì năm 1896 Chủ tỉnh Châu Đốc Doceuil đã cho xây dựng một ngôi nhà nghỉ mát trên đỉnh núi, tầng trên cùng có hình trôn ốc nên người dân gọi là Pháo Đài. Trong thời kỳ chiến tranh, Pháo Đài cũng là căn cứ quân sự chiến lược, tuy nhiên hiện nay đã không còn. Lên đến đỉnh núi, du khách sẽ thấy một bệ đá trầm tích màu xanh đen, hình vuông, tương truyền đây là nơi đặt tượng Bà Chúa xứ trước khi được đem về miếu.

Pháo Đài Núi Sam

Có thể lên núi bằng hai con đường. Đường tráng nhựa phía sau núi, ô tô và xe máy có thể đi dễ dàng. Trên đường, du khách có thể nghỉ chân tại Vườn Tao Ngộ, viếng chùa Long Sơn, biệt thự của bác sĩ Nu…

Một đường sau Lăng Thoại Ngọc Hầu, ngắn nhưng dốc, có nhiều chùa miếu và hàng quán để du khách dừng chân. Từ đoạn đường này bạn có thể vòng qua sườn núi phía Bắc để đến ngoạn cảnh đồi Bạch Vân. Đồi có khí hậu trong trẻo, mát mẻ, với nhiều nhiều tảng đá lớn, hang động thú vị… là một điểm tuyệt vời để ngắm cảnh, vui chơi.

Cáp treo Núi Sam

Khu Du lịch Cáp treo Núi Sam tọa lạc tại phường Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đến đây du khách có dịp đi cáp treo lên đỉnh núi Sam để tham quam thưởng ngoạn, trong đó nổi bật là tượng phật ngọc được chế tác bằng ngọc nguyên khối, đền Quan âm nghìn mắt nghìn tay, quảng trường lớn ngắm toàn cảnh TP.Châu Đốc từ trên cao. Du khách có thể lên đỉnh núi Sam cách đó không xa để chiêm ngưỡng nơi bà ngự, cầu an cho gia đình, bạn bè và người thân.

Victoria Núi Sam

Cách trung tâm thành phố Châu Đốc chỉ 20 phút chạy xe, khu nghỉ dưỡng Victoria Núi Sam nằm thoai thoải trên sườn núi Sam. Tất cả các phòng đều được thiết kế theo lối kiến trúc hiện đại, tối giản, nhưng vẫn tinh tế, màu sắc chủ đạo là màu gạch hồng ấm áp gần gũi hòa hợp với thiên nhiên, đất trời.

Victoria Núi Sam

Khi nhắc đến Victoria Núi Sam, nhất định không thể thiếu hồ bơi vô cực – một địa điểm chụp hình và checkin du lịch An Giang nổi tiếng trên các trang mạng xã hội. Nơi đây có tầm nhìn bao quát ra những cánh đồng lúa bạt ngàn trải dài đến tận biên giới Campuchia. Một nét kiến trúc đặc sắc khác không thể bỏ qua tại Victoria Núi Sam chính là lầu vọng cảnh. Vẻ đẹp tráng lệ khi bầu trời nhuộm đỏ ánh hoàng hôn, đứng trên lầu vọng cảnh bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy choáng ngợp và thư thái lạ thường.

Chùa Huỳnh Đạo

Chùa Huỳnh Đạo tọa lạc tại khóm Vĩnh Đông 2, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc. Với kiến trúc độc đáo và không giang rộng, chùa Huỳnh Đạo là nơi được nhiều Phật tử và khách thập phương lựa chọn để tham quan chiêm bái. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc Trung Hoa, với hai gian thờ chính và một khuôn viên lớn, bên ngoài thờ các vị thần bốn phương.

Chùa Huỳnh Đạo

Đến chùa Huỳnh Đạo, du khách được tham quan nhiều công trình kiến trúc đẹp và được thưởng ngoạn vẻ đẹp thanh thoát, yên bình của những ao sen. Lúc đầu, chùa chỉ có ngôi Tam bảo, sau này xây thêm gác chuông, Quan Âm các và nhiều công trình khác, đặc biệt là biểu tượng chín con rồng trước sân chùa vô cùng độc đáo.

Bồ Đề Đạo Tràng

Là một danh thắng mang nhiều giá trị lịch sử của TP. Châu Đốc, Bồ Đề Đạo Tràng không chỉ thu hút sự chiêm bái từ đông đảo phật tử, mà còn thu hút nhiều du khách khắp cả nước. Bởi, nơi đây gắn liền với 3 phật tích xưa: Cây bồ đề, viên Xá lợi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, đất nơi Đức Phật hành thiền và đắc đạo. Đến vùng biên địa Tây Nam, bái viếng Bồ Đề Đạo Tràng Châu Đốc, khách du lịch sẽ thấy tâm hồn thanh thoát, đồng thời trải nghiệm được ít nhiều hiểu biết về những Phật tích xa xưa.

Bồ Đề Đạo Tràng

Đình Châu Phú

Đình Châu Phú là một kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, một trong những ngôi đình lớn và đẹp nhất miền Tây, được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đình có kiến trúc mang hình chữ “Tam” bề thế, cổ kính, thể hiện được những tinh hoa trong phong cách kiến trúc cung đình, mang đậm dấu ấn nghệ thuật truyền thống dân tộc thời Nguyễn. Bên trong còn lưu giữ nhiều đỉnh đồng, khánh thờ, hoành phi, liễn đối, sơn son thếp vàng, chạm trổ lộng lẫy với các hình bát tiên, tứ linh, chim thú… Các chi tiết nghệ thuật trong đình tạo cho du khách cảm giác như đang lạc vào một xứ sở huyền thoại thời cổ xưa, đặc biệt là nhiều sắc phong của vua Minh Mạng, Tự Đức… và một bức tượng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh uy nghi, phúc hậu, được làm bằng gỗ, chạm khắc sống động.

Đình Châu Phú

Tượng đài cá basa

Vào thành phố, du khách sẽ gặp tượng đài cá basa cao 12m biểu tượng của thành phố Châu Đốc của nhà điêu khắc Trần Thanh Phong được dựng lên ở công viên bờ sông Châu Đốc. Đây là loài đã gắn bó với người An Giang gần 100 năm, giúp hàng vạn hộ dân An Giang trở nên giàu có. Tượng đài không chỉ mang hàm nghĩa “nhớ ơn” loài cá này, mà còn tôn vinh người làm nghề nuôi cá. Nhìn tổng thể tượng đài có hình dáng cách điệu một bè cá mà phần ngọn là hình tượng con cá BaSa lao lên khỏi mặt nước sáng chói.

Tượng đài cá basa

Làng nổi Cá Bè Châu Đốc

Một trải nghiệm khác được rất nhiều du khách yêu thích khi du lịch Châu Đốc chính là khám phá cuộc sống của người dân sông nước chân chất, hiền hòa. Nằm bên ngã ba sông thơ mộng, TP. Châu Đốc có làng nổi hết sức độc đáo với những chiếc bè san sát nối đuôi nhau trải dài dọc hai bờ sông tạo thành làng và kéo dài chừng 10km. Với những chuyến du lịch Châu Đốc, nếu không ghé lại làng nổi cá bè Châu Đốc, hành trình tham quan dường như đã mất hơn một nửa sự thi vị cần có ở nơi này.

Làng Cá Bè Châu Đốc

Làng Chăm

Tuy không thuộc địa phận Châu Đốc nhưng làng chăm Châu Giang là điểm dừng chân không thể bỏ qua khi đến với thành phố này. Làng Chăm Châu Giang là nơi người Chăm theo đạo Hồi tập trung sinh sống, cách thành phố Châu Đốc khoảng 10 phút đi phà. Ở đây vẫn giữ được gần như nguyên vẹn vẻ đẹp truyền thống của người Chăm từ kiến trúc, văn hóa, làng nghề cho tới nét sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Ở làng Chăm Châu Giang có những thánh đường Hồi giáo uy nghi cùng nhiều ngôi nhà sàn nhiều năm tuổi vô cùng quý giá. Đến đây, bạn sẽ được nhìn ngắm những sản phẩm thủ công và ẩm thực đặc sắc của người Chăm.

Thánh đường Hồi Giáo ở Làng Chăm

Chợ Châu Đốc

Lần đầu ghé đến Chợ Châu Đốc, bạn chắc chắn sẽ choáng ngợp bởi mắm có ở khắp mọi nơi. Những con mắm lóc, mắm sặt, mắm linh, mắm ba khía chất thành “núi” đủ loại cực kỳ hấp dẫn. Mắm nào cũng ngon, cũng hấp dẫn cả thị giác lẫn khứu giác mà giá cả lại phải chăng, người bán lại nhiệt tình chào mời, giới thiệu. Tại đây, nhiều gian hàng mắm trở nên nổi tiếng, được nhiều người dân và du khách khắp nơi biết đến, như Mắm Bà Giáo Khỏe, Mắm Bà Giáo Thảo, Mắm 9999, Mắm 6666… Ngoài việc bán trong nước, mắm còn được xuất khẩu sang các nước lân cận như Campuchia, Lào…Không chỉ nổi tiếng là “vương quốc mắm”, chợ Châu Đốc còn được nhiều người biết đến với các loại khô cá, đặc sản có giá trị. Trong đó, phải kể các loại khô như: khô cá tra phồng, khô cá lóc, khô nhái, khô rắn, khô cá sặc…

Chợ Châu Đốc

Vườn sinh thái Út Cưng

Ở khu vực cầu Tha La cặp kênh Vĩnh Tế, một vùng ngoại ô của TP. Châu Đốc, ông Nguyễn Văn Cưng đã mạnh dạn đầu tư Vườn sinh thái Út Cưng, đưa vào khai thác từ đầu tháng 6-2018. Trong khu vườn rộng mát trồng đủ loại, nào là xoài Úc, xoài Đài Loan, dừa, khóm… Đến đây, du khách đắm mình trong khung cảnh xanh tươi cùng bầu không khí mát lành. Ngoài khám phá vườn trái cây bằng đường bộ, hệ thống kênh, mương bao quanh vườn để rửa phèn và tưới nước đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo để du khách có thể tham quan vườn cây trái bằng xuồng. Đến đây bạn còn được tham gia các hoạt động nông nghiệp như bắt cá, hái trái cây và được thưởng thức các món ăn đặc trưng miền Tây.

Hãy đi du lịch Châu Đốc một chuyến để cảm nhận cuộc sống yên bình và trên hết là những con người Nam bộ chân chất, hào sảng. Đến đây bạn củng đừng quên thưởng thức cá basa, bò vò viên, bún nước kèn, khô, mắm và các món liên quan đến mắm… để hiểu thêm về một vùng đất giàu bản sắc. Sau khi tham quan các cảnh đẹp ở thành phố Châu Đốc bạn nên dành thời gian khám phá các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của xứ thốt nốt An Giang như Khu du lịch Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, Chợ Nổi Long Xuyên, Cù Lao Ông Hổ …

Gợi ý lộ trình di chuyển:

Cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250km, du khách sẽ mất chừng 6 tiếng từ thành phố Hồ Chí Minh cho hành trình đến Châu Đốc. Có rất nhiều hãng xe chạy tuyến Sài Gòn – Châu Đốc, du khách có thể đến bến xe Miền Tây, 195 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân để mua vé và lên xe đi Châu Đốc.

Từ Hà Nội, du khách có thể lựa chọn đi bằng máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ rồi từ đây tiếp tục hành trình về Châu Đốc. Thời tiết khí hậu ở Châu Đốc, An Giang nói chung rất ôn hòa thích hợp để đến tham quan quanh năm.