Chủ Nhật, ngày 14/02/2021 19:45 PM (GMT+7)
Gia Cát Lượng là vị quân sự được biết đến nhiều nhất trong lịch sử Trung Hoa, nhưng theo đánh giá của truyền thông Trung Quốc, Gia Cát Lượng không phải là người kiệt xuất nhất.
Sự kiện: Bí ẩn lịch sử thế giới, Tin tức Trung Quốc
Gia Cát Lượng có thể là người được biết đến nhiều nhất, nhưng không phải là quân sự kiệt xuất nhất lịch sử Trung Hoa.
Kể từ thời xa xưa, khi chiến tranh nổ ra liên miên, vai trò của các quân sư là không thể thiếu, quyết định trực tiếp đến sự thành bại của một đội quân trên chiến trường. Có rất nhiều quân sư kiệt xuất trong lịch sử Trung Hoa, người nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất là Gia Cát Lượng. Nhưng trong danh sách thập đại quân sư vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc, Gia Cát Lượng còn không lọt được vào Top 3.
Dưới đây là 10 vị quân sư vĩ đại nhất lịch sử Trung Hoa, theo China Daily.
10. Phạm Văn Trình
Phạm Văn Trình là công thần khai quốc nhà Thanh.
Phạm Văn Trình (1597 – 1666) là khai quốc công thần nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc.
Lớn lên vào cuối thời nhà Minh, Phạm Văn Trình chứng kiến cảnh thủ lĩnh bộ tộc Nữ Chân Nỗ Nhĩ Cáp Xích khởi binh đánh xuống Trung Nguyên. Văn Trình được Nỗ Nhĩ Cáp Xích trọng dụng.
Khi con trai của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Hoàng Thái Cực lên ngôi, Văn Trình lại càng được trọng dụng. Ông là một trong những người góp công giúp Hoàng Thái Cực chiếm hoàn toàn Trung Nguyên, lập ra nhà Thanh.
Thanh Thế Tổ nối ngôi Hoàng Thái Cực, cũng một mực nghe lời Văn Trình, đến khi ông cáo bệnh về quê thì đãi ngộ rất hậu.
9. Diêu Quảng Hiếu
Cao tăng Diêu Quảng Hiếu.
Diêu Quảng Hiếu (1335-1418), pháp danh Đạo Diễn, là một cao tăng nhưng trở thành mưu sĩ đắc lực dưới thời Minh Thành Tổ Chu Đệ.
Để tuân theo lễ chế của triều đình và tôn trọng Hoàng đế, Diêu Quảng Hiếu lên triều thì mặc quan phục, thoái triều thì mặc tăng phục. Hòa thượng Diêu Quảng Hiếu là người đưa ra sách lược chuẩn xác, biết cách chỉ huy binh mã, quyết định chuyện thắng thua ngoài chiến trường.
Diêu Quảng Hiếu là người tham gia biên soạn “Vĩnh Lạc đại điển” và “Minh Thái Tổ thực lục”.
Lý Chí, sử gia nổi tiếng thời nhà Minh từng nói: “Trong 200 năm, con dân nhà Minh đã được ấm no, bình yên. Tất cả đều là nhờ công của Minh Thành Tổ và Diêu Quảng Hiếu.”
8. Lưu Bá Ôn
Lưu Bá Ôn là người theo phò trợ Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.
Lưu Bá Ôn (1311 – 1375), tên thật là Lưu Cơ, được người đời sau mệnh danh là “Thần cơ diệu toán”. Bá Ôn là công thần khai quốc nhà Minh, đi theo phò tá Chu Nguyên Chương giành được Trung Hoa.
Trước khi gặp Chu Nguyên Chương, Lưu Bá Ôn từng được bổ nhiệm làm quan dưới triều Nguyên. Sau này, khi Chu Nguyên Chương phát động khởi nghĩa, Lưu Bá Ôn trở thành quân sư, góp công lớn giúp nghĩa quân giành chiến thắng quyết định.
Chứng kiến cảnh Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương liên tiếp sát hại công thần, năm 1368, Lưu Bá Ôn từ chối chức tể tướng, xin từ quan về quê. Mãi đến năm 1373, ông mới có thể lui về ở ẩn tìm sự bình yên.
7. Triệu Phổ
Triệu Phổ có một quãng thời gian rất dài làm thừa tướng nhà Tống.
Triệu Phổ (922-992), là một chính trị gia, quân sư dưới thời hai hoàng đế nhà Tống là Tống Thái tổ Triệu Khuông Dận và Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa. Ông là người góp sức củng cố quyền lực cho hai hoàng đế, là chính trị gia quyền lực nhất trong thời kỳ đầu của Nhà Tống, giữ chức tể tướng liên tục trong 17 năm.
Ông được ca ngợi vì sự sáng suốt trong các chính sách đối ngoại và đối nội, định hướng phát triển và hình thành quan điểm về Nho giáo của nhà Tống trong 2-3 thế kỷ tiếp theo.
6. Lý Bí
Lý Bí là cố vấn cho 3 đời hoàng đế nhà Đường, có công lớn giúp dẹp Loạn An Sử.
Lý Bí (722 – 789) tự Trường Nguyên, người Kinh Triệu (Tây An, Thiểm Tây ngày nay), là học giả Đạo gia, chính trị gia, mưu thần nổi tiếng khoảng giữa thời nhà Đường. Ông là cố vấn cho 3 đời hoàng đế nhà Đường, bao gồm Đường Huyền Tông, Đường Túc Tông và Đường Đại Tông. Ông từng là tể tướng dưới thời hoàng đế Đường Huyền Tông.
Ông là người có công lớn giúp nhà Đường dẹp tan cuộc binh biến Loạn An Sử. Nhưng vì không chịu được cảnh tranh quyền, đố kị trong triều đình, nên đã về ẩn cư núi Hoành Sơn. Lý Bí là nhân vật gây nhiều tranh cãi ở Trung Quốc. Một số sử gia coi ông là người phù phiếm và lập dị, số khác coi ông là thiên tài trong lĩnh vực đối ngoại và quân sự.
5. Vương Mãnh
Phác họa hình tượng Vương Mãnh.
Vương Mãnh (325 – 375) là tể tướng, quân sư của Tiền Tần Vương Phù Kiên. Vương Mãnh vốn có xuất thân nghèo khó, từng phải đi buôn bán kiếm kế sinh nhai. Vương Mãnh may mắn kết bạn với Phù Kiên khiêm tốn, ham học, hai người cùng nhau cố gắng gây dựng cơ nghiệp.
Đến năm 357, Phù Kiên đảo chính thành công, tự xưng là hoàng đế nhà Tiền Tần. Dưới sự trợ giúp đắc lực của Vương Mãnh, Tiền Tần thống nhất phương Bắc, cùng với nhà Đông Tấn hình thành nên cục diện Nam Bắc đối đầu.
Năm 375, Vương Mãnh qua đời. Trước lúc lâm chung, ông nói lời trăng trối: “…Triều Đông Tấn là triều đại chính thống của Trung Hoa. Sau khi thần chết, không nên vội vàng tấn công Đông Tấn”.
Nhưng vì nóng vội muốn thống nhất Trung Hoa, năm 383, Phù Kiên đem 90 vạn quân đánh xuống phía nam, chinh phạt Đông Tấn, dẫn đến kết cục thảm bại.
4. Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng cố gắng bắc phạt Tào Ngụy cho đến lúc chết.
Khổng Minh Gia Cát Lượng (181 – 234) là một trong những quân sư có danh tiếng lừng lẫy nhất lịch sử Trung Hoa, một phần thông qua tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung.
Đầu quân cho Lưu Bị, là thế lực yếu nhất trong số các thế lực quân phiệt thời nhà Đông Hán, Gia Cát Lượng bày ra Long Trung đối sách, đặt mục tiêu chiếm Kinh Châu và Ích Châu, tạo dựng cục diện thế chân vạc giữa ba nước Ngụy, Thục và Ngô.
Trở thành tể tướng ở tuổi 40, Gia Cát Lượng mất 14 năm để hoàn thành sách lược cho Lưu Bị. Sau cái chết của Quan Vũ, Lưu Bị vì nóng giận, đem quân đánh Đông Ngô, dẫn đến kết cục thảm bại. Trước khi qua đời, Gia Cát Lượng đã 5 lần xuất quân Bắc phạt nhưng không giành được thắng lợi quyết định. Cuối cùng, nhà Ngụy dưới sự chỉ huy của Tư Mã Ý xuất quân đánh tan nước Thục và Ngô, thống nhất Trung Hoa.
3. Trương Lương
Hình tượng Trương Lương trong phim truyền hình Trung Quốc.
Trương Lương (250 TCN – 186 TCN) là công thần khai quốc nổi tiếng thời nhà Hán. Ông cùng với Hàn Tín, Tiêu Hà giúp Lưu Bang lật đổ nhà Tần, lập ra nhà Hán – một trong những triều đại huy hoàng nhất lịch sử Trung Hoa. Người đời sau gọi ông là Mưu Thánh.
Năm 206 TCN, Trương Lương từng hiến kế cứu Lưu Bang khỏi kiếp nạn do Hạng Vũ dựng nên. Giữa lúc chiến tranh Hán – Sở bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Trương Lương dùng tài ăn nói để thu phục Hàn Tín.
Đến cuối đời, chứng kiến cảnh Lưu Bang lần lượt trừ khử các công thần, Trương Lương không màng danh lợi, cho rằng cuộc đời mình như vậy đã là thành công rồi.
2. Phạm Lãi
Phác họa hình tượng Phạm Lãi.
Phạm Lãi (536 TCN – 448 TCN) là quân sư có công giúp Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô. Phạm Lãi vốn là người nước Sở nhưng nhận thấy mình không thể làm nên nghiệp lớn ở quê nhà nên đã cùng bạn là Văn Chủng chuyển sang phò tá vua nước Việt là Việt Vương Câu Tiễn. Địa bàn nước Việt thời Xuân thu trong lịch sử Trung Quốc là Thượng Hải, phía bắc Chiết Giang và phía nam Giang Tô.
Phạm Lãi là người nghĩ ra kế dùng mỹ nhân Tây Thi dâng cho vua nước Ngô là Phù Sai, gián tiếp khiến nước Ngô suy yếu. Việt Vương Câu Tiễn nhờ đó mới được thả về nước và gây dựng lực lượng đánh bại kẻ thù.
Khi đại sự thành công, Phạm Lãi nhìn thấy con người thật của Câu Tiễn. Ông cho rằng Câu Tiễn là người chỉ có thể chung hoạn nạn, không thể cùng hưởng yên vui, nên đã để lại thư từ biệt rồi bỏ đi ở ẩn. Người bạn Văn Chủng không nghe theo, vẫn ở lại và hứng chịu cái chết.
1. Khương Tử Nha
Khương Tử Nha luôn là vị quân sư chiếm vị trí số 1 trong lịch sử Trung Hoa.
Người đứng đầu trong danh sách thập đại quân sư là một người rất nổi tiếng. Khác với những vị quân sư ở trên, nhân vật này được đánh giá ở vị trí số 1 là không phải bàn cãi và được hầu hết các sử gia và học giả Trung Quốc tán thành.
Người đó là Khương Tử Nha (1156 TCN – 1017 TCN), khai quốc công thần nhà Chu. Khương Tử Nha được biết đến là người góp phần lập nên sự nghiệp nhà Chu kéo dài hơn 800 năm, triều đại kéo dài nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Ông trở nên nổi tiếng trong văn hóa Đông Á qua điển tích Thái Công điếu ngư (Thái Công câu cá). Hình tượng của ông còn trở nên nổi tiếng qua tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa, một tác phẩm thần thoại dã sử nói về sự quật khởi của Chu Vũ vương chống lại chính quyền của Đế Tân.
Những hệ tư tưởng của Nho giáo, Đạo giáo, Binh pháp… đều lấy tư tưởng của Khương Tử Nha làm gốc. Tư tưởng quân sự của ông trong “Binh pháp Lục Thao” có thể coi là bộ binh pháp lâu đời nhất Trung Quốc. Các nhà quân sư nổi tiếng sau này ở Trung Quốc như Tôn Vũ, Gia Cát Lượng… cũng đều từng tham khảo tác phẩm này.
Nguồn: tienkiem.com.vn/thap-dai-quan-su-vi-dai-nhat-lich-su-trung-quoc-gia-cat-luong-chi-xep-thu-tu-5…Nguồn: tienkiem.com.vn/thap-dai-quan-su-vi-dai-nhat-lich-su-trung-quoc-gia-cat-luong-chi-xep-thu-tu-50202114219436109.htm
Điều Gia Cát Lượng thua kém Tư Mã Ý, khiến con cháu phải chết thảm?
Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý từng là kỳ phùng địch thủ thời Tam quốc ở Trung Quốc, nhưng trải qua thời gian, hậu duệ Tư…
Bấm xem >>